Thành tích Khai Trí Tiến Đức

Việt-Nam Tự-điển

Thành tựu đáng ghi nhớ nhất của Hội là việc soạn cuốn từ điển tiếng Việt mang tựa Việt-Nam Tự-điển do nhà in Trung-Bắc Tân-Văn xuất bản năm 1931. Tiểu ban phụ trách soạn thảo gồm các ông Phạm Quỳnh (chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, và Đỗ Thận.[10]

Cuốn từ điển này là tác phẩm công phu, dày 663 trang, tra cứu cả chữ Nho lẫn tiếng Pháp hầu tạo chữ để diễn tả những tư tưởng mới du nhập vào Việt Nam, nhất là những danh từ kỹ thuật. Hơn nữa từ điển Khai Trí Tiến Đức còn thâu nhận những danh từ thổ ngữ của các địa phương cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Cuốn từ điển này sang thế kỷ 21 vẫn thường được lấy làm mẫu mực chính tả và từ mục.

Đền vua Lê

Tượng ở đền vua Lê Thái tổ phía tây hồ Gươm

Các sinh hoạt văn hóa khác của Hội phải kể việc dựng tượng vua Lê Thái TổBờ Hồ, Hà Nội.[11]

Đền thờ Nguyễn Du

Năm 1924 khi làm lễ truy niệm Nguyễn Du ở Hà Nội thì bàn thờ ghi hai câu đối chữ Nôm:

"Trăm năm để tấm lòng, còn nước, còn non, còn truyền cổ lục,"Tấc thành dâng một lễ, nhớ người, nhớ cảnh, nhớ buổi hôm nay.[12]

Năm 1940 Hội xúc tiến việc tu tạo nhà thờ Nguyễn Du ở gần văn thánh huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh để lập quần thể kiến trúc lưu niệm nhà đại thi hào nước Việt.Khi dựng đền ở Hà Tĩnh thì Hội cho đề câu đối khác hai bên cửa:

"Khúc đâu lưu thủy hành vân để tiếng tài tình chung đất nước""Chốn ấy san hồ cổ thụ nhớ người thanh khí nặng non sông".[13]

Hội còn cho dựng tấm bia năm 1930 với bài minh của phó bảng Ưu Thiên Bùi Kỷ thảo:

Đất đục, trời trong, hoà tan làm mực.Nước biếc non xanh, tả nên đây bức.Đã sẵn tài tình quản gì phong sắc?Hồn văn đi về, cho thơm sực nức.Kiếm gác bên đền, gió mưa vẫn sắc.Bút tựa mặt hồ, trăng sao vằng vặc.Cảnh ấy bia này nghìn thu dằng dặc.

Dưới bia ghi "Ngày rằm tháng 2 năm Kỷ Tỵ, Hội Khai Trí Tiến Đức cẩn chi."[14]

Những công trình này đến năm 1954 vì chiến tranh đã bị tàn phá nên không còn nguyên vẹn nữa.